www.kalamajournal.com ‐ www.giaolykalama.com

Nhật Tụng Kālāma

Hỗ trợ viết bản tóm lược đại cương

Kính mong quý phật tử hỗ trợ viết bài tóm lược các bài giảng Nhật tụng Kālāma của Sư Giác Nguyên.

Bản tóm lược là để tạo sườn bài, phân chia nội dung theo bố cục rõ ràng theo thể dạng ví dụ dưới đây:

  1. Chủ đề - tên bài Kinh
  2. Tiêu đề 1 - trong đó có thể có nhiều
    1. Tiểu đề 1
    2. Tiểu đề 2
      • Đề mục nhỏ 1
      • Đề mục nhỏ 2
        → Câu giảng cần lưu ý 1 *
        → Câu giảng cần lưu ý 2 *
      • Đề mục nhỏ 3
    3. Tiểu đề 3
    4. Tiểu đề 4
  3. Tiêu đề 2
  4. Kết luận
  5. Tên người viết

* Câu giảng cần lưu ý có thể là một câu "thần chú phải kiếm chỗ xăm trên mình", khi Sư đưa ví dụ hài, hoặc đặc biệt nhấn mạnh.

Mục đích của bản tóm lược đại cương là giúp người tham khảo sau này có thể nhanh chóng biết được nội dung của bài giảng, những tiêu đề chính và những câu giảng quan trọng.

Xin tránh chép nguyên văn bài giảng vì cô Diệu Hỷ đã có ghi đầy đủ trong bản nháp.

Để viết bài xin nghe bài giảng và đọc bản ghi nháp của cô Diệu Hỷ. Quý phật tử có thể chọn bất cứ bài nào để viết tóm lược. Ban tu thư Kālāma sẽ chọn các bản ngắn gọn, súc tích, có bố cục rõ.

Do đó không nên ngại vấn đề nhiều người viết trùng một bài. Hơn nữa càng nhiều người viết thì càng có nhiều sáng kiến trình bày khác nhau, rất lợi ích khi ban tu thư duyệt lại và tổng hợp trước khi đăng tải.

Bài viết bằng dạng hồ sơ Word (.docx). (xin tránh dùng dạng .doc)
Trang khổ A4.
Font: Times New Roman (VNI) size 12pt.

Tên của file xin dùng format : Tên-Bài-Kinh_stt_Tên-người-viết

vd: Kinh-Chanh-Kien-1_051_Nguyen-Van-A.docx

Khi hoàn tất xin gửi bài về email thuvien@giaolykalama.com

Tất cả soạn giả sẽ được ghi tên trong bảng tri ân.

Thành tâm cảm tạ công đức của quý phật tử.

Kalama Journal

TÂM THƯ CỦA CAO XUÂN KIÊN
(Kalama Journal admin)

Vì sao phật tử chúng ta nên hỗ trợ viết bản tóm lược đại cương các bài giảng Kalama?

Trong nhiều năm qua Sư Giác Nguyên vẫn hàng tuần bỏ công sức thì giờ quý báu lên mạng giảng pháp cho chúng ta. Vì lòng từ bi đối với đại chúng Sư không quản ngại trong việc truyền bá Phật Pháp qua lối giảng bình dân nhưng phong phú, rất đời nhưng rất sâu sắc giáo pháp.

Nhưng cũng nhiều lần thính giả có nghe Sư than nửa thật nửa đùa: "Tui giảng mà tui run đây nè. Vì tui không biết bên kia nó đang ngủ đang ngáy hay nó đang vừa nghe vừa nhai xoài ngâm vừa tán dóc!"

Vậy để đáp lại tấm lòng đại bi bố thí pháp của Sư chúng ta cần chứng tỏ với Sư rằng: "Dạ thưa Sư, con có chú ý (và có "chủủủ ý"?) lắng nghe. Và con cũng có tư duy hiểu được ít nhiều ạ."

Chứng tỏ bằng cách nào? Bằng cách viết gọn lại những lời tâm huyết Sư ban cho mình và viết bằng cái hiểu thực sự của chính mình.

Muốn viết được bản tóm lược đại cương như vậy chúng ta cần nghe và hiểu được phần lớn bài giảng. Sau khi vừa nghe lại bài giảng, vừa đọc bản nháp của cô Diệu Hỷ, chúng ta cần mường tượng ra được bố cục của nội dung thời pháp. Phần chủ đề là bài kinh. Nhưng Sư còn mượn bài kinh để mở rộng ra thêm những chi tiết, đề mục nào khác? Sư chia thời pháp ra làm mấy phần? Phần nào là phần chính? Phần nào là phần phụ? Sư nhắc đi nhắc lại những phần nào? Những câu hài, những câu "xăm mình", những ví dụ Sư đưa ra dẫn chúng ta đến những giải đáp nào trong việc tu tập?

Sư không muốn chúng ta viết chép nguyên văn lời giảng. Vì đó chỉ là lối viết... chính tả của lớp hai tiểu học. Cô giáo đọc tới đâu ta viết tới đó; hỏi, ngã, chấm, phết, xuống hàng, chấm hết... Viết đúng chính tả thì được điểm 10 đó nhưng khi hỏi lại thì mù tịt không biết nãy giờ Cô giáo kể chuyện gì.

Tôi cũng đang rị mọ ráng viết một bài tóm lược. Thực sự không phải dễ nhưng phải ráng thôi vì ít ra mình biết mình không phụ lòng Sư. Có một vài bạn e dè rằng không biết lối viết của mình có "đạt" không. Dạ thưa cái đó không quan trọng. Mình viết là để cho chính mình có cơ hội suy nghiệm và hiểu sâu thêm phần nào Phật pháp. Ngoài ra càng nhiều người gõ lóc cóc ồn ào trên phím Sư càng bớt nghe chúng ta ngáy hay nhai xoài tán dóc.

Đôi lời chân thành đến quý bạn đạo. Có gì sơ xuất xin thành tâm sám hối.

Cao Xuân Kiên

© kalamajournal.com