Nguồn: Bản giải Siêu lý Tiểu học (TL Tịnh Sự) &
Triết học A Tỳ Đàm (Dr. Mehm Tim Mon - TK Toại Khanh dịch)
[do Cao Xuân Kiên (Kalama Journal admin) sưu tầm]


7 Giác chi gồm
  1. Niệm giác chi (satisambojjhaṅga)
  2. Trạch pháp giác chi (dhammavicayasambojjhaṅga)
  3. Cần giác chi (viriyasambojjhaṅga)
  4. Hỷ giác chi (pītisambojjhaṅga)
  5. Tĩnh giác chi (passaddhisambojjhaṅga)
     
  6. Định giác chi (samādhisambojjhaṅga)
  7. Xả giác chi (upekkhāsambojjhaṅga)
Pháp thực tính tương ứng là
  1. tâm sở niệm (sati)
  2. tâm sở trí (paññā)
  3. tâm sở cần (viriya)
  4. tâm sở hỷ (pīti)
  5. tâm sở tĩnh thân (kāyapassaddhi)
    tâm sở tĩnh tâm (cittapassaddhi)
  6. tâm sở định (nhất hành) (ekaggatā)
  7. tâm sở trung bình (upekkhā)


Tất cả những chi này hiện diện trong 42 tâm gồm 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại tố và 26 tâm đổng lực kiên cố (9 tâm thiện đáo đại, 9 tâm tố đáo đại, 8 tâm siêu thế).

  • Niệm giác chi tương ưng với bốn niệm xứ.
  • Trạch pháp giác chi (tuệ quán) thì giống như chánh kiến - quán pháp danh sắc để phát triển tuệ quán về pháp siêu lý.
  • Cần giác chi tương đương với bốn chánh cần.
  • Tĩnh giác chi của tâm và nhóm danh pháp.
  • Xả ở đây là trung bình, thuộc tâm sở tịnh hảo biến hành, không phải xả thọ.
Khi tu tập thiền với chánh cần và chánh niệm, hỷ được phát triển và trợ duyên cho an tịnh sinh khởi, an tịnh lần lượt trợ cho lạc sanh và lạc lần lượt trợ cho định và xả sanh. Kế đó trí quán danh pháp và sắc pháp để phát triển tuệ quán và cuối cùng tâm đạo là tâm khai sáng bậc tu tiến đến bốn Thánh đế.

Trong thiền:

  • Trạch pháp, cần và hỷ đối lập với hôn-thùy.
  • Tĩnh, định và xả đối lập với điệu cử.

Niệm giác chi

Niệm (sati) Là sự tỉnh thức không xao lãng trong lúc tâm biết cảnh. Định nghĩa rốt ráo nhất của Niệm là sự biết rõ cái gì đang xảy ra. Ngữ căn của chữ sati có nghĩa là Nhớ, và theo giáo lý A-tỳ-đàm, khi ta nhận biết được cái gì đang xảy ra thì nó đã biến diệt và trở thành quá khứ rồi. Đó là lý do chữ Niệm thường được hiểu là sự ghi nhớ, nhưng sự ghi nhớ này gắn liền với thực tại trước mắt, không phải là sự ghi nhớ theo cách hồi tưởng hay ký ức. Sớ Giải ví dụ một loại tâm thiếu chánh niệm giống hệt trái bầu khô trôi trên nước, không có điểm dừng cố định. Niệm yếu thì nhiều lắm chỉ có thể giúp người ta ghi nhận được đầy đủ mọi sự đang xảy ra cho mình hay nhớ lại những chuyện cũ cần thiết mà thôi. Với chánh niệm hùng hậu, ngoài khả năng tỉnh thức hiện tại, người ta còn có thể ôn lại đầy đủ những quá khứ thật xa, kể cả kiếp trước. Đối với hành giả tu Tuệ quán, chánh niệm có vai trò của một người gác cổng để kiểm soát sáu căn. Trên hành trình giác ngộ giải thoát, chánh niệm luôn là một pháp tánh cần thiết, từ Ngũ quyền đến Thất Giác Chi và cả Bát Thánh Đạo.
Niệm đảm bảo là hai nhóm (Trạch, Cần, Hỷ / Tĩnh, Định, Xả) xảy ra quân bình, không có pháp nào vượt trội pháp nào.

Nhân trợ sanh niệm giác chi có 4:
  1. niệm lương tri thường để ý biết mình và nhớ ghi (satisampajjañña)
  2. tránh người hay quên (muṭṭhassatipuggalaparivajjanatā) và không tập tu quán
  3. nương người vững niệm (upaṭṭhitassatipuggalasevanatā) nên hội họp với những người chuyên tu tứ niệm xứ
  4. thường niệm cảnh hiện tại (tadadhimuttatā) hằng chăm chú tự thân tâm và để ý biết kịp cảnh ngoài đang đến.
"Niệm thuộc về phe đảng trí tỏ ngộ tứ đế, gọi là niệm giác chi."

Trạch pháp giác chi

Trí Tuệ (paññācetasika): Là khả năng hiểu biết thấu suốt (không phải cái biết trực nhận của Thức hay cái biết kinh nghiệm của Tưởng). Đối với hành giả tuệ quán hay thánh nhân thì đây là cái biết tự thân (không qua việc nghe hay đọc của người khác) về Tam Tướng hay Duyên Khởi của Danh Sắc, Ngũ uẩn. Chức năng của Trí Tuệ (paññā) là loại bỏ si mê (moha), cũng gọi là Vô Minh (avijjā). Tâm sở Trí Tuệ có nhiều từ đồng nghĩa:
  • Paññā: Trí
  • Ñāṇa: Tuệ
  • Amoha: Vô Si
Thẩm Như Ý Túc (vimaṃsa) hay Trạch Pháp Giác Chi (dhammavicaya) hoặc Chánh Kiến (sammādiṭṭhi) trong Bát Chánh Đạo… Nói cách nào cũng là tâm sở Trí Tuệ. Tâm sở Trí Tuệ khi được phát triển chung với Định ở mức cao nhất sẽ thành ra Thắng Trí (abhiññā) để biết những chuyện nằm ngoài khả năng nghe nhìn thông thường của chúng sinh, dù vẫn là cảnh Tục đế. Khi trí tuệ được phát triển cùng với chánh niệm ở mức rốt ráo nhất thì sẽ dẫn đến thánh trí (thánh đạo, thánh quả và trí Phản Khán).

Ghi chú 19 trí Phản khán tức trí nhìn lại (paccavekkhaṇañāṇa):

  1. phản khán phiền não đã trừ
  2. phản khán phiền não dư sót
  3. phản khán thánh đạo đã chứng
  4. phản khán thánh quả đã chứng
  5. phản khán Níp-bàn đã thấy bằng thánh đạo
5 trí phản khán này đem nhân với 4 tầng thánh thành ra 19 vì vị A-la-hán không còn phiền não dư sót để phản khán.
Nhân trợ sanh trạch pháp giác chi có 7:
  1. ưa hỏi những sự nghi với bậc thông hiểu (paripucchagatā)
  2. thân đồ, chỗ ở sạch sẽ (vatthivisadakiriyā)
  3. pháp ngũ quyền đều bằng nhau (indriyasamattapaṭipādanā)
  4. tránh người thiếu trí tuệ (duppaññapuggalapārivajjanā)
  5. tìm gặp người đa trí (paññāvantapuggalasevanatā)
  6. ưa suy xét cảnh tuệ cao tế nhị sâu xa (gambhirañāṇacariyapaccavekkhanā)
  7. chăm chú theo trạch pháp giác chi, chuyên niệm tứ oai nghi và các cảnh danh sắc sanh diệt (tadadhimuttatā).
"Gọi trạch pháp giác chi có nghĩa là gạn, lựa, lướt, đến, duy trì những pháp phần trong và ngoài thành tựu sở quán."

Cần giác chi

Cần (viriya): Là tâm sở có trạng thái cố gắng, tích cực hay năng động, một khía cạnh cần thiết cho tâm được dũng mãn, không lui sụt. Nó giống như cây cột trong một ngôi nhà, giúp nhà không sập. Là một trong Ngũ quyền (indriya), Ngũ Lực (bala), Tứ Thần Túc (iddhipāda).
Nhân trợ sanh cần giác chi có 11:
  1. suy xét những cái khổ trong khổ thú (apāyabhayapaccavekkhanatā)
  2. suy xét sự siêng năng (ānisaṅsadassavitā)
  3. suy xét thấy đường lối đến Níp-bàn (gamanavithipaccavekkhanatā)
  4. trọng sự đi bát (pindhapātāpaccayanatā)
  5. xét thấy tài sản là Pháp bảo của Toàn giác rất quan trọng (hy hữu) (dāyajjamahattapaccavekkhanatā)
  6. xét thấy Phật giáo chủ, bậc rất cao siêu (sattumahattapaccavekkhanatā)
  7. suy xét sanh làm người rất quan trọng vì khó đặng (jātimahattapaccavekkhanatā)
  8. xét thấy bạn phạm hạnh địa vị rất cao (sabrahmacarimahattapaccavekkhanatā)
  9. tránh kẻ lười biếng (kusitapuggalaparivajjanatā)
  10. gần người siêng năng (aradhaviriyapuggalasevanatā)
  11. quan tâm với cần giác chi bằng cách siêng niệm rõ sanh, diệt của danh và sắc v.v... (tadadhimuttatā)

Hỷ giác chi

Hỷ (pīti): Có trạng thái là sự hào hứng hay hứng thú trong lúc tâm biết cảnh. Vì chỉ nhắm đến khía cạnh này nên tâm sở Hỷ được kể riêng, không nằm chung với Thọ uẩn. Nghĩa là không có nó vẫn có thể có Thọ uẩn. Hỷ là tiền thân của Lạc. Hỷ giống như giai đoạn người lữ khách nhìn thấy hồ nước trong một ngày nóng nực và Lạc là giây phút người lữ khách uống nước hay tắm rửa trong đó.
Nhân trợ sanh hỷ giác chi có 11:
  1. niệm Phật (Buddhānussati)
  2. niệm Pháp (dhammānussati)
  3. niệm Tăng (saṅghanussati)
  4. niệm giới (sīlānussati)
  5. niệm thí (cāgānussati)
  6. niệm thiên (devatānussati)
  7. niệm Níp-bàn (upasamānussati)
  8. tránh xa người không tin Tam bảo (lukhapuggalaparivajjanatā)
  9. hội ngộ bậc tin Tam bảo (niddhapuggalasevanā)
  10. suy xét theo Kinh làm nhân trợ sanh tín ngưỡng (pasādaniyasuttapaccavekkhanatā)
  11. chăm chú bằng hỷ giác chi nhận thấy danh sắc sanh diệt do hành động và cảnh (tadadhimuttatā).

Tĩnh giác chi

Tĩnh Tánh, Tĩnh Tâm (kāyapassaddhi, cittapassaddhi): Là trạng thái vắng lặng không rung động trong tâm và tâm sở. Chữ Tánh ở đây ám chỉ cho tâm sở. Bất cứ tâm thiện nào cũng cần đến khía cạnh yên tĩnh, không bị quấy rối bởi phiền não. Hai tâm sở này đối lập lại lòng Hối Hận (kukkucca). Khi được tu tập một cách cố ý thì hai tâm sở này chính là Tĩnh Giác Chi (passaddhisambojjhanga) trong Thất Giác Chi.

Hai tâm sở này giúp cho Hỷ (somanassa) và Lạc (sukha) của người tu thiền Chỉ tịnh được trở nên vi tế hơn. Và giúp cho Tấn quyền (viriyindriya) được ổn cố không nông nổi bồng bột.

Đối với hành giả tu Tuệ quán thì hai tâm sở này giúp họ có được cái nhìn già giặn trong cảnh danh sắc. Lúc này chúng được gọi là Tĩnh Giác Chi (passaddhisambojjhanga).

Nhân trợ sanh tĩnh giác chi có 7:
  1. dùng vật thực tế nhị dễ tiêu (panitabhojanasevanatā)
  2. khí hậu thích hợp (utusukhasevanatā)
  3. oai nghi thích hợp (iriyapathasukhasevanatā)
  4. để tâm trung bình (majjhattapayogatā)
  5. tránh kẻ tiểu nhân xâm hại chúng sanh (saraddhakāyapuggalaparivajjanatā)
  6. hội họp bậc thân tâm yên tịnh không xâm hại kẻ khác (passaddhikāyapuggala-sevanatā)
  7. để ý chăm chú bằng tĩnh giác chi nhận thấy danh sắc sanh diệt do hành động và cảnh (tadadhimuttatā).

Định giác chi

Định hay Nhất Hành (ekaggatā): Là tâm sở có nhiệm vụ đưa tâm và các tâm sở đồng sanh tập trung vào một đối tượng, giúp tâm được ngưng tụ không phân tán. Giống như chất nước liên kết cát đá trong một khối bê tông. Khi đi ngoài các tâm thiền thì nó được gọi là Nhất Hành, nhưng khi được trau dồi một cách cố ý trong pháp môn thiền định thì cũng là nó nhưng lúc này được gọi là Samādhi. Đây là một trong năm thiền chi của tâm Đáo đại. Tâm sở này là yếu tố phải có của tâm thức giúp ta có được khả năng chú ý và tập trung.
Nhân trợ định giác chi có 11:
  1. thân đồ, chỗ ở đều sạch sẽ (vatthuvisadakiriyatā)
  2. pháp ngũ quyền đều đồng nhau (indriyasamuttapatipadāna)
  3. khéo sửa ấn chứng tu chỉ (nimittakusalatā)
  4. nâng tâm hợp thời (samayecittassapaggaṅhanatā)
  5. dằn tâm hợp thời (samayecittassaniggaṅhanatā)
  6. hớn hở hợp thời (samayesampahaṃsanutā)
  7. để tâm trung bình hợp thời (samaye ajjhupekkhanatā)
  8. tránh người tâm không vững (asamāhitapuggalaparivajjanatā)
  9. hội họp bậc có tâm yên trụ (samahitapuggalasevanatā)
  10. có suy xét thiền và giải thoát (jhānavimokkhapaccavekkhanatā)
  11. để ý chăm chú bằng định giác chi theo tứ oai nghi và các cảnh khác (tadadhimuttatā).

Xả giác chi

Hành Xả (tatramajjhattatā): Nếu dịch sát thì chữ Pāli trên đây có nghĩa là trạng thái nằm giữa hai thái cực cảm xúc vui buồn. Tâm sở này được ví dụ như một người đánh xe kềm giữ hai con ngựa không cho chúng đi quá sâu vào hai lề đường. Tâm sở này cũng còn được gọi bằng tên Pāli khác là Upekkhā. Khi tâm sở này được tu tập thì nó chính là trạng thái trung hòa giữa lòng Bi mẫn (karunā) và lòng Tùy Hỷ (muditā)
Nhân trợ sanh xả giác chi có 5:
  1. để tâm trung bình đối với chúng sanh: chỉ cho là danh-sắc chớ không phải người thú v v… (sattamajjhattatā)
  2. để tâm trung bình đối với pháp hành coi thường tam tướng (vô thường, khổ não, vô ngã) (saṅkhāramajjhattatā)
  3. tránh người chấp cứng theo chúng sanh và pháp hành vi (sattasaṅkhārakelāyanapuggalaparivajjanatā)
  4. hội họp với bậc có tâm trung bình đối với chúng sanh và pháp hành vi (sattasaṅkhāramajjhattapuggalasevanatā)
  5. chăm chú trong xả giác chi ấy nhận thấy danh sắc sanh diệt do hành động và cảnh (tadadhimuttatā).


Nguồn: Bản giải Siêu lý Tiểu học (TL Tịnh Sự) & Triết học A Tỳ Đàm (Dr. Mehm Tim Mon - TK Toại Khanh dịch)